QUÁ TRÌNH RA ĐỜI CỦA ĐẢNG BỘ CƠ QUAN DÂN CHÍNH ĐẢNG TỈNH VĨNH PHÚC (28/6/19154)

Năm 1950, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch “đóng điểm, chiếm tuyến”, chúng xây dựng trên 200 vị trí chốt giữ với những hệ thống cứ điểm vững chắc hình thành 3 tuyến phòng thủ để bảo vệ vững chắc vùng chiếm. Chúng còn tổ chức ra khu bắc Sông Hồng gồm 3 phân khu: khu Phù Lỗ, khu Phúc Yên và khu Vĩnh Yên. Do vậy địa bàn hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã hình thành hai vùng tự do và tạm chiếm, phần lớn trên địa bàn hai tỉnh đã bị địch chiếm đóng. Đây là một khó khăn rất lớn trong quá trình tiến hành kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh. Trước tình hình đó, để có khả năng đối phó với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp, ngày 13-01-1950, Thường vụ Liên khu uỷ Việt Bắc đã tổ chức bàn về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Ngày 12-02-1950, Chính Phủ ra Nghị định số 03/NĐ-TTg về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc.

Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời có diện tích 1.715 m2 và 47 vạn dân với 18.758 đảng viên, đã tạo nên sức mạnh tổng hợp trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Đồng thời, đó cũng là sự kiện đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời gian từ ngày 20 đến ngày 30-4-1951, tại thôn Đồng Giong, xã Quang Yên, huyện Lập Thạch (nay là huyện Sông Lô), Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Đại hội đã chủ trương đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng ở cơ quan, đơn vị và các địa phương trong toàn tỉnh, đi đôi với quan tâm chú trọng phong trào “Học tập lý luận” và thực hiện “phê bình và tự phê bình” trong Đảng được đẩy mạnh. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác xây dựng chi bộ; áp dụng các biện pháp quản lý đảng viên theo ba tiêu chuẩn: công tác, sinh hoạt và đóng đảng phí, nhằm đảm bảo cho tổ chức Đảng ngày càng chặt chẽ, theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 29-02-1951 của Trung ương Đảng về cuộc vận động chấn chỉnh Đảng.

Thực hiện chủ trương trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã quyết định thành lập Ban cán sự Liên chi Cơ quan tỉnh và ngày 21-01-1953 đã ra Nghị quyết số 10/NQ-VP thành lập 5 chi bộ đảng trực thuộc Tỉnh uỷ, nghị quyết do đồng chí Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh uỷ ký, đó là các chi bộ: Chi bộ Thuế, Xuất nhập khẩu do đồng chí Thuận làm Bí thư; Chi bộ Ngân hàng và Thuế vụ do đồng chí Kinh làm Bí thư; Chi bộ Quản lý Công thương mậu dịch do đồng chí Huân làm Bí thư; Chi bộ Ty Giáo dục do đồng chí Hiến làm Bí thư; Chi bộ Ban huấn học do đồng chí Việt làm Bí thư. Nhiệm vụ của Chi bộ Liên chi Cơ quan tỉnh lúc đó là lãnh đạo cán bộ, đảng viên trong cơ quan thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác bảo vệ an toàn bí mật hoạt động của cơ quan, ổn định tư tưởng, đời sống của cán bộ, giữ vững sinh hoạt Đảng và đóng đảng phí. Tham mưu giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính tổ chức, chỉ đạo thực hiện củng cố bộ máy của Đảng và chính quyền kháng chiến ở các địa phương, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Kết quả của cuộc vận động chấn chỉnh Đảng của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc trong đó có sự đóng góp tích cực của chi bộ Liên chi Cơ quan tỉnh đã tạo ra sự chuyển biến một bước khá rõ rệt về nhận thức của cán bộ, đảng viên đối với đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng, khắc phục tư tưởng cầu an, sợ chết, ngại khó, ngại khổ và tư tưởng hữu khuynh xa rời lập trường giai cấp. Song song với việc nâng cao nhận thức, lập trường, quan điểm của đảng viên, công tác củng cố tổ chức cơ sở và chấn chỉnh các chi uỷ được tiến hành. Ngày 28-6-1954, Tỉnh uỷ đã ra Quyết nghị số 53-QN/VP do đồng chí Vũ Sơn, Bí thư Tỉnh uỷ ký, điều động đồng chí Châu Giang thuộc Tiểu Ban huấn học Tỉnh uỷ tham gia Ban chi uỷ Liên chi Cơ quan tỉnh và sau đó làm Bí thư Ban cán sự Liên chi Cơ quan tỉnh từ năm 1954 đến 1955. Như vậy, Ban cán sự Liên chi Cơ quan tỉnh là tổ chức tiền thân của Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay, được hình thành sau 4 năm Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc ra đời. Việc ra đời các Chi bộ Liên chi Cơ quan ở giai đoạn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang diễn ra ác liệt, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh đã có những đóng góp tích cực nhằm đưa cuộc kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giành thắng lợi.

Ngày 07-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hoàn toàn bị tiêu diệt, chiến thắng lịch sử này làm nức lòng quân, dân cả nước và bạn bè khắp năm châu. Nắm được thời cơ thuận lợi, theo Chỉ thị của Trung ương và Liên khu uỷ Việt Bắc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc quyết định: “Nhanh chóng mở luôn đợt mùa hè, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền, phối hợp với cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơ-ne-vơ”. Ngày 17-7-1954, ta kết thúc đợt hoạt động quân sự mùa hè, giải phóng hết các địa bàn bị chiếm đóng của địch. Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Tỉnh uỷ đã tổ chức đợt tấn công địch vận. Từ ngày 27-7-1954 đến ngày 8-10-1954, thực dân Pháp lần lượt rút khỏi Vĩnh Phúc.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc giành thắng lợi, đã góp cùng nhân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Sau năm 1954 cách mạng Việt Nam bước sang giai đoạn mới. Đảng ta chủ trương đưa miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho cách mạng mền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh chống Đế quốc và tay sai, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng ta là: Đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hoà bình, ra sức hoàn thành cải cách ruộng đất, phục hồi và nâng cao sản xuất, tăng cường xây dựng lực lượng quân đội nhân dân để củng cố miền Bắc thành hậu phương vững chắc, giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam, nhằm củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành độc lập dân tộc dân chủ trong cả nước.

Để khắc phục những hậu quả nặng nề do thực dân Pháp để lại. Đồng thời ổn định về tư tưởng trong những năm đầu giải phóng ở miền Bắc, phục hồi sản xuất và ổn định đời sống nhân dân trong giai đoạn cách mạng mới. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc có chủ trương kiện toàn bộ máy các cơ quan xung quanh Tỉnh nhằm giúp Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh kịp thời chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, bảo vệ đê điều, phòng chống bão lụt, củng cố ngành thương nghiệp, xây dựng hệ thống Hợp tác xã nông nghiệp và mua bán, nhằm phục vụ đời sống nhân dân. Tuyên truyền làm thí điểm xây dựng Hợp tác xã tín dụng ở các vùng nông thôn, nhằm giúp đỡ nhân dân vay vốn sản xuất, ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi đã tồn tại hàng bao đời ở làng quê. Đồng thời chỉ đạo các ngành tổ chức tốt các hoạt động giáo dục đào tạo, văn hoá thông tin, tuyên truyền cổ động, giao thông công chính và kiện toàn mạng lưới tổ chức nhà thương, y dược, y tế để chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, ngày 12-3-1956, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã có Nghị quyết số 57-NQ/VP về việc quyết định thành lập Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh, gồm 16 chi bộ cơ sở trực thuộc:

1. Chi bộ Văn phòng Tỉnh uỷ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, do đồng chí Lê Dân, Phó Văn phòng Tỉnh uỷ, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Nuôi, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, làm chi uỷ viên.

2. Chi bộ Dân vận Tỉnh uỷ, do đồng chí Nguyễn Văn Niết, Bí thư Nông hội,  Bí thư Đảng đoàn Dân vận, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Giảng, Đảng đoàn Công đoàn tỉnh, làm chi uỷ viên; Đồng chí Quân ở Đảng đoàn Mặt trận, làm chi uỷ viên.

3. Chi bộ Uỷ ban hành chính tỉnh, Toà án và Y tế, do đồng chí Nho, Uỷ viên Uỷ ban hành chính tỉnh, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Đường, Chánh Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh, làm chi uỷ viên.

4. Chi bộ Ngân hàng tỉnh, do đồng chí Từ, phụ trách Ngân hàng, làm Bí thư chi bộ.

5. Chi bộ Công an tỉnh do đồng chí Quang, Phó Văn phòng Ty Công an, làm Bí thư chi bộ.

6. Chi bộ Thuỷ lợi, giao thông công chính do đồng chí Xuân Tiến, Phó trưởng Ty Giao thông, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Tranh, phụ trách thuỷ lợi, làm chi uỷ viên.

7. Chi bộ Tài chính tỉnh, do đồng chí Châu, phụ trách chi sở, làm Bí thư chi bộ.

8. Chi bộ Thuế vụ tỉnh, do đồng chí Châu, phụ trách chi sở, làm Bí thư chi bộ

9. Chi bộ Công thương lâm thổ sản, bách hoá, do đồng chí Kiệm, phụ trách lâm thổ sản, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Hội, Ty Công thương, làm chi uỷ viên; Đồng chí Kế, Công ty Bách hoá, làm chi uỷ viên.

10. Chi bộ Tuyên huấn Tỉnh uỷ, do đồng chí Hồng, cán bộ Tuyên huấn Tỉnh uỷ, làm Bí thư chi bộ.

11. Chi bộ Giáo dục tỉnh, do đồng chí Nhân, Phó trưởng Ty giáo dục, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Châu, làm chi uỷ viên.

12. Chi bộ Bưu điện tỉnh, do đồng chí Đạo, cán bộ Ty, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Nuôi, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, làm chi uỷ viên.

13. Chi bộ Văn hoá, Nhà in Sông Lô, do đồng chí Mễ, cán bộ Ty, làm Bí thư chi bộ.

14. Chi bộ Hợp tác xã Cung tiêu, do đồng chí Hoan, Tỉnh uỷ viên, làm Bí thư chi bộ.

15. Chi bộ Cảnh vệ tỉnh do đồng chí Hiên, làm Bí thư chi bộ; Đồng chí Ngọc, làm chi uỷ viên; Đồng chí Bào, làm chi uỷ viên.

16. Chi bộ Công ty Lương thực, do đồng chí Xung, phụ trách Công ty, làm Bí thư chi bộ.

 Tại quyết định này, Tỉnh uỷ chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh gồm có 3 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Văn Niết, Bí thư Đảng đoàn Mặt trận, làm Bí thư Đảng uỷ Cơ quan Tỉnh; Đồng chí Hồng, Bí thư Chi bộ Tuyên huấn, làm Đảng uỷ viên; Đồng chí Quang, Bí thư Chi bộ Công an tỉnh, làm Đảng uỷ viên.

Như vậy, xuất phát từ Chi bộ Liên chi Cơ quan tỉnh, phát triển thành Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh. Kết quả của sự ra đời và phát triển của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh là tất yếu khách quan, một bước ngoặt quan trọng của công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và quản lý đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội cấp tỉnh. Sự ra đời của Đảng bộ Cơ quan Dân Chính Đảng tỉnh đã khẳng định mối quan hệ biện chứng, gắn bó giữa công tác xây dựng Đảng ở các cơ quan cấp tỉnh với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ban, ngành của Tỉnh và ở địa phương.

Theo: Lich sử Đảng bộ Khối CCQ tỉnh Vĩnh Phúc 1954 - 2010

 

 

 

  • Xem nội dung dữ liệu nền

Hệ thống văn bản