Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở trong quần chúng. Chi bộ tốt thì mọi chính sách của Đảng đều được thi hành tốt, mọi công việc đều tiến bộ không ngừng. Trái lại, nếu chi bộ kém thì công việc không trôi chảy”. Thực tiễn đã chứng minh, những chi bộ trong sạch vững mạnh là những chi bộ duy trì sinh hoạt nền nếp; nội dung sinh hoạt phong phú, thiết thực; hình thức sinh hoạt đa dạng; phương pháp, cách thức tiến hành các buổi sinh hoạt phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó có sinh hoạt chi bộ chuyên đề là hình thức sinh hoạt đi sâu thảo luận, giải quyết một hoặc một vài vấn đề mà chi bộ thấy cần thiết, mang tính cốt lõi trong lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra qua đó đề ra giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ.
Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề, trong những năm qua, Đảng bộ Báo Vĩnh Phúc luôn chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan, đơn vị; đồng thời xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi đảng bộ và là một trong những nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Do đó, thời gian qua, Đảng ủy Báo Vĩnh Phúc đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sinh hoạt chuyên đề bảo đảm thực chất, hiệu quả từ việc ban hành các chương trình, kế hoạch đến chỉ đạo các chi bộ tổ chức thực hiện; luôn luôn đổi mới phương pháp, hình thức sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích nhằm nhân rộng điển hình tiên tiến trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hiện nay, Đảng bộ Báo Vĩnh Phúc hiện nay có 61 đảng viên, sinh hoạt tại 05 Chi bộ trực thuộc. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Đảng ủy CCQ tỉnh; đồng thời bám sát vào nhiệm vụ trọng tâm và căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, ngay từ đầu năm, Đảng ủy Báo Vĩnh Phúc chỉ đạo các chi bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên đề, trong đó xác định rõ nội dung, hình thức, thời gian thực hiện sinh hoạt theo tháng, quý đồng thời chỉ đạo triển khai tới 100% cán bộ, đảng viên nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa việc sinh hoạt chi bộ thường kỳ và sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề. Trung bình mỗi năm, Đảng ủy và các Chi bộ trực thuộc đã tổ chức được gần 20 buổi sinh hoạt chuyên đề.
Nội dung được lựa chọn sinh hoạt chuyên đề đều là những vấn đề nóng, nổi cộm và cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của đảng như: công tác xây dựng đảng, các nguyên tắc sinh hoạt đảng; nhiệm vụ công tác chuyên môn còn khó khăn, vướng mắc..., đồng thời, gắn sinh hoạt chuyên đề với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII), Kết luận 21-KLTW, ngày 25/10/2021 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phương pháp, hình thức sinh hoạt chuyên đề luôn được đổi mới theo hướng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực, tại mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề, chi ủy báo cáo đề dẫn đánh giá thực trạng, chỉ rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của chuyên đề; với tinh thần dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, các đảng viên trong Chi bộ thảo luận, trong đó tập trung đưa ra những nhận xét, đánh giá của cá nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác đảng cũng như nhiệm vụ công tác chuyên môn. Kết thúc mỗi buổi sinh hoạt chuyên đề theo quý, một số chi bộ đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung chuyên đề đã được tổ chức sinh hoạt để tổ chức thực hiện trong thời gian tiếp theo.
Xác định công tác sinh hoạt chuyên đề phải được tổ chức thực hiện thực chất, thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức nên Đảng ủy đã tập trung thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình tổ chức thực hiện. Để nâng cao chất lượng sinh hoạt theo chuyên đề ở các Chi bộ trực thuộc, Đảng ủy Báo Vĩnh Phúc đã không ngừng nâng cao sức chiến đấu, tăng cường năng lực lãnh đạo của cấp ủy Đảng trên cơ sở phát huy tính dân chủ; đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, của mỗi đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí đảng ủy viên; giám sát, hướng dẫn các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt theo chuyên đề. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, các chi bộ đều thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt theo chuyên đề; lựa chọn đúng và trúng những chuyên đề thích hợp để đưa ra bàn bạc, thảo luận; nội dung, hình thức phong phú; chất lượng các buổi sinh hoạt được đảm bảo và nâng lên; đồng thời, thống nhất ý chí hành động và triển khai thực hiện kết luận sinh hoạt chuyên đề một cách bài bản, chặt chẽ.
Có thể khẳng định, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề ở các Chi bộ trực thuộc Đảng bộ Báo Vĩnh Phúc đã tạo sự chuyển biến tích cực từ tư tưởng đến hành động trong đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; 100% đảng viên, công chức, viên chức, người lao động có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, năng động và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức sinh hoạt chuyên đề còn một số hạn chế chủ yếu như: (i) một số ít buổi sinh hoạt chuyên đề còn mang tính hình thức, chưa thiết thực, hiệu quả; (ii) việc triển khai thực hiện Nghị quyết sinh hoạt chuyên đề còn chưa cụ thể; công tác kiểm tra, giám sát của các chi bộ trong việc thực hiện các giải pháp đưa ra sau sinh hoạt chuyên đề còn chưa được sâu sát, chưa thường xuyên, kịp thời; (iii) một số đảng viên còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, ít tham gia ý kiến trong các buổi sinh hoạt chuyên đề hoặc ý kiến tham gia chưa chất lượng, chưa làm rõ được vấn đề cũng như chưa đề xuất được các giải pháp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề còn hạn chế; ...
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, khắc phục những hạn chế, chúng tôi thiết nghĩ cần tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục thực hiện tốt Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “Một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận 21-KL/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, cấp ủy cấp trên thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nội dung, cách thức tiến hành sinh hoạt chuyên đề. Đồng thời, phân công cấp ủy viên thường xuyên dự, giám sát, hướng dẫn các chi bộ thực hiện sinh hoạt chuyên đề. Việc chuẩn bị các nội dung sinh hoạt chuyên đề cần thiết thực với yêu cầu nhiệm vụ của Chi bộ, đồng thời đảm bảo chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ các nội dung của đề dẫn sinh hoạt chuyên đề.
Ba là, phát huy tính dân chủ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tự phê bình và phê bình của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề, nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong Chi bộ. Đảm bảo các ý kiến đưa ra được thảo luận kỹ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là các ý kiến trái chiều.
Bốn là, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng, cách thức, nội dung sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt chuyên đề nói riêng.
Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, thường xuyên sơ kết rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót; biểu dương, khen thưởng kịp thời những chi bộ, đảng viên thực hiện tốt chế độ sinh hoạt chuyên đề, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm những chi bộ chưa thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chuyên đề và những đảng viên thoái hoá về tư tưởng chính trị, về đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm 27 biểu hiện như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra.
Tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chủ yếu nêu trên sẽ nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt Chi bộ; nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
Trần Tuyền