Sức mạnh từ ý thức dân tộc

11 giờ 30 phút, ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam giành chiến thắng vẻ vang, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và từ đó đến nay, câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?” vẫn luôn làm đau đầu các nhà chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và phương Tây. Nhưng, với những người yêu và hiểu về đất nước, con người Việt Nam đều có câu trả lời: Tinh thần, ý thức dân tộc là nền tảng cốt lõi để Việt Nam vượt lên mọi khó khăn, đánh thắng mọi kẻ thù.

Ý thức dân tộc của người Việt Nam là ý thức về cội nguồn, niềm tự hào, tự tôn dân tộc; là lòng yêu nước nồng nàn được hun đúc, bồi đắp và phát huy qua suốt bốn nghìn năm lịch sử. Dù ở thời đại nào cũng vậy, ý thức dân tộc luôn được phát huy; khi đất nước lâm nguy bởi giặc ngoại xâm thì dân tộc Việt Nam sục sôi ý chí chiến đấu, tạo nên sức mạnh chiến thắng mọi quân thù; khi đất nước hòa bình thì người Việt đoàn kết phát triển kinh tế, xây dựng đời sống hạnh phúc. Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một minh chứng hùng hồn cho chân lý ấy.

Ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai trắng trợn thực hiện hàng loạt chiến lược chiến tranh ở Việt Nam, đối diện với cuộc chiến tranh xâm lược, phản động phi nghĩa ấy, dân tộc Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và trọng lẽ phải, không còn lựa chọn nào khác, buộc phải cầm súng để chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ - Ngụy, chống lại bè lũ cướp nước và bán nước.

Với một ý chí sắt đá, một niềm tin vững chắc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Ðất nước không thể nào chia cắt, đất đai dân tộc không thể nào mất”, cả dân tộc bền gan đánh giặc, sẵn sàng hy sinh để non sông thống nhất, đất nước thu về một mối.

Trong dòng chảy lịch sử ấy, ý thức dân tộc và khao khát độc lập tự do đã thôi thúc quân dân Vĩnh Phúc quyết tâm bảo vệ những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời, tích cực chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.

Tạm biệt mảnh đất Tam Hồng (Yên Lạc) thân thương, năm 1967, chàng trai Nguyễn Xuân Chén xung phong Nam tiến, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với vai trò là lính biệt động Sài Gòn. Cùng đồng đội “nếm mật nằm gai” với những bữa cháo bẹ rau măng, những cơn sốt rét rừng, những vết thương do bom đạn, những đổ máu, hy sinh… Nhưng chiến sĩ Nguyễn Xuân Chén luôn phát huy tinh thần anh dũng, kiên cường chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.

999_1.jpg

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Chén, thị trấn Tam Hồng tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trà Hương

Ông đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia nhiều trận đánh nổi tiếng như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn niền Nam, thống nhất đất nước… Chiến tranh kết thúc, ông Chén đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, tiếp tục góp sức vào công cuộc xây dựng quê hương. Với vai trò là một nhân chứng lịch sử, ông thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tại địa phương.

Về thôn Đồng Mới, xã Yên Dương, huyện Tam Đảo gặp người cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thái Học, nhìn những vết sẹo dọc ngang trên cơ thể ông, chúng tôi nghẹn ngào tự hỏi “Sức mạnh nào đã giúp người tù cách mạng ấy chịu đựng được hơn 3 năm đọa đày tại nơi được gọi là “địa ngục trần gian”. Đó chỉ có thể là sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc của người con đất Việt.

998_2.jpg

Tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn dân tộc giúp chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thái Học, xã Yên Dương vượt qua những cực hình tra tấn tại Nhà tù Phú Quốc, tiếp tục cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ảnh: Minh Hường

Ông Học chia sẻ: “Sau 4 năm tham gia kháng chiến chống Mỹ, trong trận đánh tại sân bay Đà Nẵng năm 1970, tôi bị bắt, sau đó, bị đưa ra Trại giam Phú Quốc. Để moi thông tin cách mạng và làm nhụt ý chí chiến đấu của chiến sĩ cộng sản, bọn địch đã tra tấn chúng tôi rất tàn độc với nhiều hình thức như phơi nắng, phơi sương trong “chuồng cọp” kẽm gai, bẻ răng, đóng đinh xuyên qua các bộ phận trên cơ thể...

Trong hoàn cảnh bị giam cầm khắc nghiệt, những vết thương bị hoại tử, ăn mòn thân thể khiến chúng tôi như chết đi sống lại nhiều lần, nhưng tình yêu quê hương và lý tưởng cách mạng luôn rực cháy, trở thành nguồn sức mạnh giúp tôi và đồng đội giữ vững một lòng kiên trung, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục kẻ thù…”.

Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, ông Học được trả tự do. Chàng trai khỏe mạnh hơn 60 kg năm xưa chỉ còn da bọc xương với cân nặng chưa đến 24 kg và đôi chân bị tra tấn đã teo tóp, đi không vững. Tuy nhiên, tinh thần dân tộc vẫn cháy mãi trong tâm thức người lính nên sau khi hồi phục một phần sức khỏe, ông Học lại tích cực lao động sản xuất, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Ý thức dân tộc, ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, non sông, xây dựng đất nước vững mạnh luôn bao trùm mọi thời đại, mọi thể chế và chảy trong huyết mạch của mọi thế hệ người dân đã làm nên huyền thoại về đất nước Việt Nam anh hùng như trong bài thơ "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Không ai nhớ mặt đặt tên/Nhưng họ đã làm ra Đất Nước/ Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân…”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với nhiều hy sinh, mất mát nhưng cũng là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tinh thần dân tộc Việt Nam. Hôm nay, đất nước đã hòa bình, sức mạnh cội nguồn ấy tiếp tục khơi dậy và hun đúc, thổi bùng lên trong mỗi người dân Việt Nam nói chung, mỗi người dân Vĩnh Phúc nói riêng ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh.

Nguồn: Minh Hường (baovinhphuc.com.vn)

 

Danh sách tin tức - bài viết
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:

Hệ thống văn bản