Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ …”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đã thể hiện tấm lòng nhân ái, sự sẻ chia với tinh thần “Cho đi là còn mãi” sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn, hoạn nạn. 

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, tập hợp mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần dân tộc, tôn giáo, nam, nữ để làm công tác nhân đạo. Hội được thành lập ngày 23/11/1946 tại Đại hội Đại biểu lần thứ nhất Hồng thập tự Việt Nam tại thôn Đình Ấm, Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội trong suốt 23 năm từ Ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời (1946 – 1969). Trải qua quá trình 78 năm xây dựng, cống hiến và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã không ngừng phát huy truyền thống nhân đạo cao đẹp. Mỗi bước tiến của Hội trên hành trình nhân ái đều gắn liền với những chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, nhằm hướng tới mục đích cao cả là “Tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân”, đặc biệt trong công tác đối ngoại, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả, từ những năm đầu mới thành lập, hoạt động đối ngoại của Hội tập trung vào việc trao trả tù binh chiến tranh theo tinh thần của Luật nhân đạo quốc tế (mặc dù thời gian này Chính phủ Việt Nam chưa tham gia các Công ước Giơnevơ). Sau này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được công nhận là thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (11/1957), công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và phát triển. Hội đã gửi thư đến Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tố cáo và phản đối quân đội Mỹ rải chất độc da cam trên lãnh thổ Việt Nam, ném bom các bệnh viên có biểu tượng Chữ thập đỏ, gửi thư chia sẻ với các Hội quốc gia nơi xảy ra xung đột, thảm họa, tham gia hồi hương, tiếp nhận hàng cứu trợ… Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế với 192 Hội quốc gia thành viên, luôn chủ động vận động ủng hộ Nhân dân các nước khác khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa…; và có mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ quốc tế.

Trong suốt quá trình phát triển, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước. Ngày 07/9/1987, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Củng cố tổ chức, phát huy tác dụng tích cực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam” và Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã chỉ đạo tổng kết 22 năm thực hiện Chỉ thị 14, ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 08/6/2010 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 44-KL/TW ngày 14/11/2022 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư khoá X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới”; quyết định nhiều chủ trương mới của Đảng về lãnh đạo công tác nhân đạo và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Quốc hội đã ban hành Luật hoạt động chữ thập đỏ (03/6/2008). Chính phủ đã tăng cường quản lý Nhà nước, ban hành nhiều văn bản, tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hoạt động… Có thể khẳng định rằng, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam không ngừng lớn mạnh, ngày càng xứng đáng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và Nhân dân trong và ngoài nước ủng hộ, tham gia, góp phần chăm lo có hiệu quả các đối tượng nghèo, khó khăn, dễ bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Cùng với sự trưởng thành và phát triển mạnh mẽ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc từ khi được thành lập đến nay đã từng bước đặt từng viên gạch vững chắc trên con đường sự nghiệp nhân đạo.

Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 12/11/1996 của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo thực hiện chia tách một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Ngày 12/12/1996, Tỉnh ủy Vĩnh Phú có Văn bản số 155-CV/TU về việc bố trí cán bộ, trong đó, phân công, hiệp thương với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về cán bộ lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ. Ngày 16/12/1996, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành Quyết định số 1393/CTĐ về việc công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ lâm thời Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó, Ban Chấp hành gồm 11 ủy viên; Ban Thường vụ gồm 03 ủy viên. Hội hoạt động từ ngày 01/01/1997. Ngày 26/6/1998, Ban Thường vụ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành Quyết định số 432-QĐ/TC.CTĐ về việc công nhận Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc khóa III, trong đó, Ban Chấp hành gồm 15 ủy viên; Ban Thường vụ gồm 05 ủy viên, Ban Kiểm tra gồm 03 ủy viên; ông Nguyễn Đăng Tùng - Giám đốc Sở Y tế được phân công kiêm nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội. Khi mới tái lập, toàn tỉnh có 6/9 Hội Chữ thập đỏ huyện, thị và 86/150 Hội cơ sở xã, phường, thị trấn.

Những năm qua, Hội CTĐ tỉnh từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức hội ngày càng lớn mạnh; các lĩnh vực công tác dần được triển khai chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Các phong trào, cuộc vận động lớn do Hội CTĐ Việt Nam phát động như “Tết nhân ái”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tháng Nhân đạo”… đã trở thành những hoạt động mang đậm màu sắc, hình ảnh của Hội CTĐ, thu hút đông đảo các ngành, các cấp, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia.

Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” (từ năm 2023 đổi tên là “Tết Nhân ái”) đã trở thành hoạt động truyền thống của hội mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Thông qua phong trào, hằng năm, các cấp Hội CTĐ trong tỉnh đã kêu gọi và vận động được từ 18.000 – 25.000 suất quà Tết, trị giá hàng chục tỷ đồng để trao tặng người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn.

Phong trào "Tết Nhân ái" năm 2024 nhằm huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để tổ chức các mô hình “Tặng quà, vui tết” - trợ giúp về vật chất, tinh thần cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái. Với vai trò là đơn vị chủ trì trong tổ chức triển khai thực hiện Phong trào "Tết Nhân ái" năm 2024 theo nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chủ động tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh hỗ trợ cho đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hội viên Chữ thập đỏ khó khăn, đảm bảo mọi người, mọi nhà đều được vui xuân, đón tết. Kết quả thực hiện Phong trào năm 2024, Hội Chữ thập đỏ các cấp trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, vận động và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm thăm hỏi, động viên và tặng được 36.789 suất quà Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương, trẻ em mồ côi, học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá trên 18,7 tỷ đồng (Đạt 245% so với chỉ tiêu Kế hoạch đề ra là 15.000 suất quà). Một số huyện Hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và đạt kết quả cao như: huyện Bình Xuyên (5.204 suất, đạt 306%), huyện Yên Lạc (6.004 suất, đạt 375%), huyện Vĩnh Tường (5.230 suất, đạt 262%)...

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ngày càng có sức lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng tích cực trong đời sống xã hội. Nhiều mô hình trợ giúp đạt hiệu quả thiết thực, nhiều đối tượng được trợ giúp đã dần ổn định cuộc sống, điển hình như mô hình Nhà chữ thập đỏ, Ngân hàng bò, hỗ trợ học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Năm 2023, toàn tỉnh đã trợ giúp hơn 1.930 địa chỉ nhân đạo.

Tháng Nhân đạo năm 2024, các cấp Hội CTĐ đã tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia trợ giúp hơn 13.200 lượt người với tổng trị giá trên 7,3 tỷ đồng (đạt 289% chỉ tiêu kế hoạch đề ra)

Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được Hội CTĐ tỉnh quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các cấp hội đã tổ chức khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho hơn 2.000 lượt nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, đối tượng chính sách, người nghèo, người cao tuổi; khám, sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho hơn 1.000 học sinh dân tộc thiểu số; khám chuyên khoa răng – hàm – mặt, sàng lọc dị tật hở khe môi – vòm miệng cho hơn 2.500 học sinh tiểu học, nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật… Các cấp hội thường xuyên duy trì, củng cố đội y, bác sĩ tình nguyện, chốt sơ cấp cứu cộng đồng, đội ứng phó nhanh với thiên tai, thảm họa.

 

đ/c Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và lãnh đạo một số sở, ban, ngành, thành phố Vĩnh Yên, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao quà tặng nạn nhân chất độc da cam Trịnh Xuân Dần, tổ dân phố Chùa, phường Định Trung (Vĩnh Yên). Ảnh: Trà Hương

Phong trào hiến máu tình nguyện được triển khai sâu rộng, số người hiến máu ngày càng tăng. Hằng năm, toàn tỉnh tiếp nhận được từ 16.000-18.000 đơn vị máu an toàn, đạt 1,3 – 1,5% dân số tham gia hiến máu, lượng máu hiến cơ bản đáp ứng được nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 11, hội đã tổ chức thành công 70 buổi hiến máu, vận động được hơn 30.000 lượt người đăng ký hiến máu và tiếp nhận 21.200 đơn vị máu an toàn.

Tổng giá trị hỗ trợ của hội năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2010, tổng giá trị hỗ trợ của hội đạt trên 15,5 tỷ đồng, thì đến năm 2023, tổng giá trị hỗ trợ đạt trên 48,1 tỷ đồng. Hiệu quả hoạt động hằng năm của hội gấp 5 – 7 lần so với kinh phí Nhà nước cấp.

Với quyết tâm đổi mới đột phá, từng bước thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững trong Chiến lược phát triển Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục nỗ lực, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng lòng để cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ nhân đạo của đất nước, xứng đáng với sứ mệnh nhân đạo vì hạnh phúc của nhân dân, sự tiến bộ, công bằng của xã hội. Phát huy truyền thống và những kết quả mà Hội đã đạt được 78 năm qua, nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ là mốc quan trọng, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Hội, thực hiện tốt sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội, xây dựng đất nước ngày càng phát triển bền vững.

Nguyễn Thị Quỳnh Liên - PCT Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc

 

Danh sách tin tức - bài viết
Lọc tin tức - bài viết
Chuyên mục:
Sự kiện:
Nội dung:

Hệ thống văn bản